Tin Công đoàn Đường sắt Việt Nam

TRAO ĐỔI NGHIỆP VỤ: THẤY GÌ QUA MỘT VỤ TAI NẠN GIAO THÔNG TRÊN ĐƯỜNG ĐI LÀM NHƯNG KHÔNG ĐƯỢC ĐIỀU TRA TAI NẠN LAO ĐỘNG

Thứ Tư, 21/07/2021, 17:54

Vụ việc xẩy ra từ năm 2008 tại Công ty X. Ông H là nhân viên tuần đường (xin phép không nêu tên người lao động và tên công ty), theo lịch hôm đó ông H đi tuần ban 2, tuy nhiên buổi trưa nhà có việc nên đã uống rượu vì vậy ông H đã điện báo cho Cung trưởng để bố trí người thay thế. Do quá đột xuất nên Cung trưởng không tìm được người đủ tiêu chuẩn đi tuần đường để bố trí đi tuần thay, vì vậy Cung trưởng đã động viên ông H nếu chưa say thì vẫn đi tuần ban 2 bình thường. Chuyện không may đã xẩy ra, trên đường đi từ nhà ở đến đơn vị để nhận ban, ông H đã bị tai nạn giao thông do va phải một xe ô tô đi ngược chiều. Ông H đã được đưa đi cấp cứu kip thời, không nguy hiểm đến tính mạng nhưng các chấn thương làm cho ông suy giảm 31% sức khỏe. Mọi chi phí cấp cứu, điều trị …do bên chủ xe ô tô chi trả theo thỏa thuận với gia đình ông H với điều kiện gia đình không báo vụ việc cho Cơ quan Cảnh sát giao thông xử lý. Về phía Công ty X cho rằng chủ xe ô tô gây tai nạn đã chịu trách nhiệm với ông H nên không điều tra vụ việc để xem xét chế độ tai nạn lao động.

Ảnh minh họa
   Tháng 6 năm 2021 (gần 13 năm sau), do có người tư vấn và cảm thấy bị thiệt thòi về quyền lợi nên gia đình ông H thuê luật sư khởi kiện Công ty X về vụ việc ông H bị tai nạn giao thông trên đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc nhưng không được hưởng chế độ tai nạn lao động theo quy định của pháp luật. Vụ kiện này tuy chưa được đưa ra xét xử nhưng ở góc độ phân tích về mặt pháp lý, tôi xin đưa ra một số ý kiến sau đây để các đồng nghiệp và đơn vị cùng tham khảo:  
   Thứ nhất, Công ty X đã sai ngay ở bước đầu tiên là Cung trưởng bố trí người lao động liên quan trực tiếp đến an toàn chạy tàu lên ban khi đã được người lao động báo cho biết là đã uống rượu. Trong tình huống này nếu không tìm được người đi tuần thay ông H thì có thể đích danh Cung trưởng đi tuần thay. Trường hợp đặc biệt đơn vị không xử lý được thì phải báo cáo Công ty X để xin điều động tạm thời người lao động đơn vị khác đến thay thế.  
   Thứ hai, Công ty X sai ở bước tiếp theo là khi vụ việc tai nạn xẩy ra đã không thành lập đoàn điều tra tai nạn lao động theo đúng quy định. Việc này có thể là do sự hiểu biết về pháp luật của cán bộ phụ trách an toàn, vệ sinh lao động Công ty X còn hạn chế nên đã không tham mưu cho lãnh đạo Công ty thành lập đoàn điều tra tai nạn lao động; hoặc cũng có thể là do lãnh đạo Công ty chủ quan nhận định hậu quả vụ việc không nghiêm trọng nên chỉ thực hiện đầy đủ chế độ ốm đau, còn các chi phí do tai nạn đã có chủ xe ô tô chịu trách nhiệm; hoặc cũng có thể do nguyên nhân khác như cố tình dấu diếm vụ việc vì sợ ảnh hưởng đến các tiêu chí thi đua của đơn vị...
   Thứ ba, cán bộ công đoàn từ tổ trưởng đến chủ tịch công đoàn cơ sở chưa làm tròn trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của đoàn viên. Khi vụ việc xẩy ra mặc dù biết  Công ty không thành lập đoàn điều tra tai nạn lao động nhưng cán bộ công đoàn các cấp đã không báo cáo vụ việc lên công đoàn cấp trên, vô tình hưởng ứng việc làm sai của chuyên môn. 
   Thứ tư, việc xử lý hậu quả vụ việc của Công ty X khi người lao động khởi kiện sẽ tương đối phức tạp, chỉ có thể thực hiện theo một trong hai tình huống sau đây: 
   Tình huống 1: Công ty X đề nghị gia đình ông H rút đơn khởi kiện để Công ty thực hiện điều tra, lập hồ sơ tai nạn lao động để ông H được hưởng các chế độ tai nạn lao động và gia đình ông H đồng ý. Trong tình huống này khi Công ty X tiến hành điều tra vụ việc thì phải phụ thuộc vào những yếu tố phát sinh khác so với thời điểm vụ tai nạn vừa xẩy ra chứ không hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí chủ quan của Công ty X. Ví dụ, hồ sơ liên quan đến vụ tai nạn cần phải có một trong các văn bản, tài liệu sau: Hồ sơ giải quyết vụ tai nạn giao thông của Cơ quan Cảnh sát giao thông; hoặc văn bản xác nhận bị tai nạn của Cơ quan Công an cấp xã nơi xảy ra tai nạn; hoặc văn bản xác nhận bị tai nạn của chính quyền địa phương nơi xảy ra tai nạn. Vụ việc trên do chủ xe ô tô đã thỏa thuận giải quyết đền bù các chi phí nên chắc chắn không có cơ quan nào có hồ sơ vụ việc. Vậy thử hỏi Công ty X dễ gì xin được văn bản xác nhận của địa phương về vụ tai nạn trên địa bàn đã xẩy ra cách đây 13 năm? Và những khó khăn khác từ Cơ quan Bảo hiểm xã hội khi thẩm định hồ sơ vụ việc xẩy ra cách đây đã quá lâu… Vì vậy, nếu Công ty X không thể lập được hồ sơ tai nạn lao động để ông H được hưởng đầy đủ chế độ tai nạn lao động thì Công ty X sẽ phải trợ cấp theo quy định tại Điều 38 của Luật An toàn, vệ sinh lao động và phải trả khoản tiền tương ứng với chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại các Điều 48, 49 Luật An toàn, vệ sinh lao động (những khoản tiền này đúng ra là do cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả). Việc chi trả có thể thực hiện một lần hoặc hằng tháng theo thỏa thuận của các bên, trường hợp không thống nhất thì thực hiện theo yêu cầu của người lao động.
   Tình huống 2: Vụ việc do Tòa án giải quyết. Trong tình huống này, chứng lý để Công ty X chứng minh với Tòa rằng ông H bị tai nạn giao thông trên đường đi làm nhưng không đủ điều kiện để được hưởng chế độ tai nạn lao động hầu như là không có cơ sở. Ví dụ Công ty X cho rằng ông H bị tai nạn giao thông trong khi điều khiển xe máy nhưng đã uống rượu nên vi phạm luật giao thông đường bộ, vậy thử hỏi Công ty X lấy đâu ra bằng chứng về nồng độ cồn khi ông H bị tai nạn để chứng minh? Do đó cơ hội phần thắng kiện hầu như nghiêng hẳn về phía người lao động.
   Như vậy, qua vụ việc trên có thể thấy rằng nếu Công ty X thành lập đoàn điều tra tai nạn lao động trong thời gian sớm nhất để giải quyết vụ việc thì đã không phải đối diện với những rắc rối pháp lý sau nhiều năm vụ tai nạn xẩy ra. Ngoài việc phải bỏ ra một khoản chi phí tính bằng tiền tương đối lớn để giải quyết hậu quả vụ việc thì doanh nghiệp còn bị ảnh hưởng nặng nề bởi uy tín trong việc thực hiện chế độ chính sách, pháp luật đối với người lao động – đó là một điểm trừ trong các hồ sơ tham gia đấu thầu của doanh nghiệp. Từ câu chuyện có thật nêu trên hy vọng các đồng nghiệp, mà đặc biệt là chủ tịch công đoàn cơ sở rút kinh nghiệm để bảo vệ quyền lợi của người lao động khi có các vụ việc tương tự xẩy ra; phân tích để người sử dụng lao động hiểu rõ về hậu quả nếu vụ việc không được giải quyết đúng quy định cùa pháp luật ngay từ đầu.
                                                      Trần Xuân Trường
 
Ý kiến bạn đọc:
Đang tải nội dung.....
Gửi bình luận của bạn



Vi trí 1
Vị trí 3
Vị trí 5

...

   

Công đoàn Đường sắt Việt Nam "Đoàn kết - đổi mới - dân chủ - kỷ cương - việc làm - đời sống; vì quyền lợi của người lao động, vì sự phát triển bền vững và từng bước hiện đại của Đường sắt Việt Nam

Địa chỉ liên kết

Vị trí 5