Tin Công đoàn Đường sắt Việt Nam

XIN CẢM ƠN CÔNG ĐOÀN

Thứ Năm, 29/10/2020, 13:19

Xin cảm ơn công đoàn là câu nói trọn vẹn nhất suốt buổi nói chuyện bởi nó đi sau những cảm xúc nghẹn ngào, ngắt quãng...

NẶNG TRĨU KHÓ KHĂN...
Tôi gặp anh Nguyễn Xuân Điệp, công nhân Trạm khám chữa toa xe Vinh khi anh vừa tan ca đêm. Đôi mắt trĩu buồn của anh khiến tôi bối rối không biết phải bắt đầu hỏi anh từ điều gì. Không giấu được cảm xúc, anh nói với tôi, ngày hôm nay anh chưa thể về Hà Tĩnh để thăm con. Điện thoại về cho vợ, anh lại nghẹn ngào nghe chuyện con vừa lên cơn co giật, cắn rách tay chân và môi chảy máu. Cứ hai ngày một lần rồi có khi một ngày hai lần như thế, vợ anh phải vật lộn ngăn con không cắn vào bất cứ thứ gì vớ được. Mỗi lần con anh lên cơn cắn phá kéo dài gần cả tiếng và khi cơn đau dịu đi là lúc vợ anh trào nước mắt.
Mỗi tuần, anh Nguyễn Xuân Điệp lại bắt xe khách đi hơn 100 km để về nhà ở xã Lộc Yên, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh. Công việc khám tàu hàng thường làm ca đêm nên đến khi trời sáng, anh lại vội vã ra trước ga Vinh để bắt xe về Hà Tĩnh với con. Tôi hỏi anh về những lúc mệt mỏi, bất lực khi phải thường xuyên vượt quãng đường như thế để về ôm con đang vật vã trong đau đớn. Anh nói rằng số phận đã không cho anh may mắn nhưng được ở gần con như bây giờ là một điều may mắn mà trước đó anh không hề nghĩ đến.
Anh Nguyễn Xuân Điệp, sinh năm 1977, tại xóm Tân Đình, xã Lộc Yên, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh. Năm 1997, anh vào thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương để học nghề khám xe đường sắt tại Trường Kỹ thuật Nghiệp vụ Đường sắt II. Sau 2 năm học nghề, anh xin vào làm việc tại Xí nghiệp Toa xe hàng Sài Gòn. Gần 10 năm đi làm, đến năm 2009, anh lấy vợ cùng quê, cùng làm công nhân gần nơi anh làm việc. Cũng như bao gia đình, vợ chồng anh Điệp mong đợi từng ngày để đón con chào đời. Thế nhưng, cậu con trai của anh chị vừa sinh ra đã bị bệnh về não, không thể nhận thức và vận động như những đứa trẻ bình thường. Bất ngờ, đau khổ vì nghịch cảnh nhưng hai vợ chồng anh vẫn hy vọng có thể điều trị thuyên giảm cho con, anh chị vay mượn khắp nơi để đưa con đi chữa bệnh nhưng bệnh của con ngày càng nặng hơn.
Nỗi buồn lo trĩu nặng trên vai anh Điệp. Bao nhiêu đêm giữa sân ga vắng lặng, tiếng thở dài của người công nhân đường sắt chìm vào màn đêm hoang hoải. “Lúc đó, tôi cảm thấy bất lực, bế tắc, cuộc sống ngột ngạt đến khó thở, không biết bao nhiêu lần hai vợ chồng ôm con rồi khóc” – Anh Điệp nghẹn ngào chia sẻ.
Do điều kiện kinh tế khó khăn, cha mẹ ở quê lại già yếu nên vợ con anh Điệp đã về Hà Tĩnh chung sống với ông bà. Vợ về quê cách hàng nghìn cây số, con bệnh nặng và thường xuyên đi viện, bản thân ở xa không giúp đỡ được cho gia đình nên anh Điệp luôn ngổn ngang day dứt và nỗi buồn vời vợi hiện sâu trong đôi mắt người công nhân khắc khổ.
 
 
 
 
 
CHUYẾN TÀU MAY MẮN 
Anh Nguyễn Xuân Điệp kể: "Tháng 4 năm 2016, tôi vô tình được gặp anh Mai Thành Phương - Chủ tịch Công đoàn ngành Đường sắt. Anh vào thăm công nhân lao động nơi tôi làm việc. Lúc gặp tôi, anh gần gũi trò chuyện và hỏi thăm về cuộc sống gia đình. Bác Chương - Trạm trưởng Trạm khám xe Sóng Thần trao đổi với anh Phương về hoàn cảnh của tôi. Anh Mai Thành Phương hỏi tôi có nguyện vọng thế nào. Lúc đó, tôi cũng chia sẻ với anh về hoàn cảnh gia đình, về mong muốn được về quê làm việc dù biết rằng rất khó bởi thời điểm đó các đơn vị trong ngành đang tinh giảm biên chế. Thế rồi, anh Mai Thành Phương nói với tôi: Cậu là người lao động của ngành Đường sắt, tôi là chủ tịch công đoàn ngành, tôi có trách nhiệm lắng nghe, quan tâm và giải quyết những khó khăn, vướng mắc của người lao động. Nhất định tôi sẽ về quê cậu để nắm bắt tình hình và tìm hướng giải quyết”.
Một tháng sau, anh Mai Thành Phương đã tìm về xóm Tân Đình, xã Lộc Yên, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh để thăm gia đình anh Điệp. Và từ cuộc gặp gỡ đó, một tháng sau, anh Nguyễn Xuân Điệp đã được Tổng Công ty Đường sắt miền Bắc tuyển dụng vào làm việc tại Chi nhánh toa xe Vinh.
Đây là một điều bất ngờ đối với anh Nguyễn Xuân Điệp và gia đình. Quá vui mừng nên anh bật khóc, anh đã được về gần nhà hơn để chăm sóc cho cha mẹ ,vợ con. Và cũng từ đó, trường hợp anh Nguyễn Xuân Điệp thường xuyên được Công đoàn ngành Đường sắt nhắc nhở lãnh đạo đơn vị quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ.
Nhớ lại cảm xúc lúc đó, anh Nguyễn Xuân Điệp chia sẻ: “Thời điểm đó, các cán bộ công đoàn ngành Đường sắt đã gọi điện liên tục để hướng dẫn tôi làm thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động trong đơn vị cũ rồi hướng dẫn các chế độ, chính sách của tôi khi chuyển về đơn vị mới. Sự nhiệt tình, trách nhiệm của các anh khiến tôi cảm động vô cùng. Nhiều anh em công nhân động viên tôi rằng gặp anh Mai Thành Phương và được công đoàn ngành giúp đỡ là chuyến tàu may mắn của cuộc đời tôi. Tôi mới được gặp anh Mai Thành Phương một lần, tôi từng gọi điện cho anh để chia sẻ mong muốn được ra Hà Nội nói lời cảm ơn anh và công đoàn ngành. Nhưng anh dặn tôi đừng ra Hà Nội, hãy dành thời gian để về quê chăm cha mẹ, vợ con, công đoàn ngành vẫn luôn dõi theo để động viên, chia sẻ. Tôi và gia đình xin cảm ơn công đoàn ngành".
 
 
NGƯỜI LÀM CÔNG ĐOÀN VUI KHI GIÚP ĐỠ ĐƯỢC NGƯỜI LAO ĐỘNG
Tôi hỏi anh Mai Thành Phương - Chủ tịch Công đoàn ngành Đường sắt về câu chuyện giúp đỡ cho người công nhân của ngành là anh Nguyễn Xuân Điệp. Anh chậm rãi trả lời: "Đối với người làm công đoàn, thực sự rất buồn khi chứng kiến người lao động gặp phải khó khăn, nghịch cảnh và cũng không điều gì vui hơn khi thấy họ vui và yên tâm làm việc. Mỗi công nhân lao động đều có hoàn cảnh riêng, phía sau họ là rất nhiều nỗi lo toan cho gia đình, cha mẹ, chúng tôi thấu hiểu và luôn mong muốn chia sẻ với những khó khăn của họ”.
Anh Mai Thành Phương kể: "Tháng 4 năm 2016, tôi có chuyến công tác đến thăm hỏi, động viên công nhân đang ngày đêm khắc phục sự cố cầu Ghềnh của tỉnh Đồng Nai. Tại đây, tôi gặp em Nguyễn Xuân Điệp, công nhân khám chữa toa xe đang làm việc tại Ga Trảng Bom. Ngay từ cái nhìn đầu tiên, tôi đã thấy đôi mắt buồn vời vợi, chất chứa nhiều nỗi niềm của Điệp. Tôi chủ động đến bên công nhân ấy để trò chuyện thì được biết gia đình em ở Hà Tĩnh, vợ không thể đi làm vì phải chăm sóc con và cha mẹ già yếu, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Lúc đó, tôi nghĩ rằng mình phải làm điều gì đó cho người công nhân ấy. Sau đợt công tác, tôi mong muốn sớm về quê em Nguyễn Xuân Điệp để tìm hiểu, thăm hỏi và cảm ơn người vợ của em đã tần tảo chăm con, chăm cha mẹ già để chồng yên tâm công tác, cống hiến cho ngành".
Đến tháng 5 năm 2016, anh Mai Thành Phương đã về Hà Tĩnh để thăm nhà anh Điệp. “Ngôi nhà nhỏ xuống cấp là nơi ở của cha mẹ già, vợ và đứa con trai luôn vật vã vì đau đớn. Tôi cảm nhận rõ nỗi khổ cùng cực của gia đình và hiểu rõ hơn về đôi mắt buồn của Điệp trong buổi chiều nơi sân ga Trảng Bom. Tôi nắm chặt tay cha mẹ Điệp, các bác nói với tôi mong muốn Điệp được về làm việc gần nhà để giúp vợ chăm con”.
Nguyện vọng của gia đình anh Điệp là vô cùng chính đáng. Nhưng việc chuyển về gần nhà rất khó bởi đơn vị nơi anh làm việc đang thiếu người, nhất là thợ kỹ thuật lành nghề, trong khi các đơn vị đường sắt ở khu vực Nghệ An, Hà Tĩnh lại không tuyển dụng thêm công nhân lao động. Hơn nữa, các đơn vị đều đã cổ phần hóa, trong xu thế phải tinh giảm người lao động.
Anh Mai Thành Phương chia sẻ: “Khi bước lên xe về Hà Nội, hình ảnh cháu nhỏ còm cõi, quằn quại trong đau đớn, người vợ gầy yếu và những giọt nước mắt của cả gia đình em Điệp càng thôi thúc tôi phải tìm cách để giúp đỡ họ, khó cũng phải làm và đó là trách nhiệm của công đoàn”.
Vậy là, ngay trên xe về Hà Nội, anh Mai Thành Phương đã liên hệ, trao đổi với lãnh đạo các đơn vị liên quan tìm cách tháo gỡ khó khăn để anh Nguyễn Xuân Điệp có thể chuyển về làm việc gần nhà. Anh đã đề nghị các đơn vị phối hợp giải quyết thủ tục nghỉ việc và tiếp nhận người lao động về nơi làm việc mới. Giải quyết khó khăn cho người lao động bằng tất cả tấm lòng và trách nhiệm nên đề nghị của công đoàn ngành đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các đơn vị. Một tháng sau, anh Nguyễn Xuân Điệp đã được chuyển về làm việc tại Trạm khám chữa toa xe Vinh.
 
Tôi nói với anh Mai Thành Phương rằng anh Nguyễn Xuân Điệp vẫn mong được gặp anh và các anh chị ở công đoàn ngành Đường sắt để gửi lời cảm ơn. Anh Mai Thành Phương nói rằng: "Anh sẽ chủ động gặp Điệp, cán bộ công đoàn phải đến với anh em công nhân lao động. Người làm công đoàn vui khi giúp đỡ được người lao động nhưng chúng ta vẫn còn trăn trở về những hoàn cảnh chưa thể giúp đỡ. Trách nhiệm của chúng ta là quan tâm, động viên và giúp đỡ người lao động bằng nhiều cách". 
 
 
Mai Liễu 
 
 
Ý kiến bạn đọc:
Đang tải nội dung.....
Gửi bình luận của bạn



Vi trí 1
Vị trí 3
Vị trí 5

VĂN HÓA VNPT

   

Công đoàn Đường sắt Việt Nam "Đoàn kết - đổi mới - dân chủ - kỷ cương - việc làm - đời sống; vì quyền lợi của người lao động, vì sự phát triển bền vững và từng bước hiện đại của Đường sắt Việt Nam

Địa chỉ liên kết

Vị trí 5